Những câu hỏi "lớn" trong mùa tuyển sinh




Những câu hỏi “lớn” trong mùa tuyển sinh

Trong hàng vạn câu hỏi, thắc mắc của thí sinh trước mùa tuyển sinh, nhà tư vấn hướng nghiệp Quang Dương đã "nhặt" ra những câu hỏi, mà theo ông, có liên quan đến rất nhiều thí sinh khác. Ông đã giải đáp cho những câu hỏi này. 
* Em muốn trở thành một người lãnh đạo, vậy em nên thi vào ngành quản trị kinh doanh, quản trị hành chính hay quản lý giáo dục? Có phải những ngành đó đào tạo sau này làm giám đốc hay hiệu trưởng không ạ?
(LÊ HÙNG TÂM, - HS lớp 12 Trường Chu Văn An, Hà Nội)
- Mục tiêu của những trường đó không phải đào tạo ngay thành giám đốc hay hiệu trưởng, mà trước hết là giúp em chuẩn bị hành trang vào đời với những kiến thức chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành và nhất là thái độ chuyên nghiệp trong nghề đó. Khi tốt nghiệp, nếu được bổ dụng vào làm trong một đơn vị (doanh nghiệp, hành chính hay giáo dục...), em có thể thích ứng với công việc nào đó như là một mắt xích trong guồng máy của đơn vị ấy. Có khi em chỉ làm công việc của một nhân viên bình thường, chưa phải làm lãnh đạo.
* Như em đây, em tin có thể làm lãnh đạo ngay được vì em có khiếu lãnh đạo, từng làm lớp trưởng và đứng đầu vài tổ chức hội đoàn... Vậy sao không thể cất nhắc làm lãnh đạo mà phải là nhân viên?
(Một học sinh)
- Em tự tin là tốt. Nhưng em phải làm cho đơn vị (nơi tuyển dụng em) tin ở em nữa mới tốt hơn. Chỉ số niềm tin đó phải được đơn vị xác quyết qua quá trình thử thách công việc, nhất là thử thách phẩm chất (trong đó có phẩm chất lãnh đạo). Kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy muốn làm thầy phải biết làm thợ; muốn làm lãnh đạo phải rành rẽ công việc của một nhân viên. Ngoại trừ em mở doanh nghiệp riêng hay lập trường tư do em làm chủ, còn nếu làm cho một đơn vị do người khác làm sếp thì bắt buộc người sếp đó phải thử thách em qua thực tế. Khi đã đủ độ tin, người ta mới giao việc lớn, việc nặng.
Nhà Tư vấn hướng nghiệp Quang Dương đang tư vấn cho các bạn học sinh tại gian hàng của ông trong ngày hội hướng nghiệp do báo tuổi trẻ tổ chức.
* Vào học hai năm ở ngành vật lý em mới thấy mình không hợp với vật lý. Qua trắc nghiệm, em thấy mình hợp với ngành tâm lý. Xin hỏi em phải chuẩn bị như thế nào để có thể tiếp cận, học hỏi và làm được trong ngành tâm lý?
(SV LÝ THU NAM, khoa vật lý ĐHSP Hà Nội)
- Ngành tâm lý đòi hỏi nhiều về tư duy hướng nội và cả hướng ngoại. Với hướng nội, em cần tự thăm dò kỹ về tư chất và nội lực của mình. Khi hướng ngoại, em chú ý quan sát để thấu rõ thế giới nội tâm và chiều sâu suy nghĩ của người khác, không thỏa mãn với những nhận thức bề ngoài. Để học hỏi tích cực trong chuyên ngành tâm lý, em đừng quá sa đà vào lý thuyết (dù lý thuyết rất cần, mà phải là lý thuyết sắc sảo, không mông lung, không bám vào hiện thực). Cái chính là em cần kinh qua những trải nghiệm thực tế, qua cọ xát với những tình huống có vấn đề tâm lý nằm sâu trong sự việc. Từ đó, em đối chiếu với những luận điểm tâm lý để soi rọi và làm giàu thêm cho lý luận bằng tư duy sáng tạo của mình.
* Em rất thích ngành kinh tế đối ngoại nhưng khi làm bài trắc nghiệm thì kết quả cho thấy em hợp với ngành ngôn ngữ học. Em phân vân không biết nên chọn ngành theo sở thích, hay chọn ngành hợp với bản thân?
(NGUYỄN TRỌNG HÙNG, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)
- Nếu vừa thích lại vừa hợp là tốt nhất. Còn chỉ thích mà không hợp (hoặc lơ mơ chẳng biết hợp hay không) thì chưa nên chọn. Phải dành ưu tiên cho hợp trước. Sở thích dễ thay đổi tùy hứng, tùy thời, tùy tâm trạng... Chính vì chọn ngành nghề theo sở thích mà rất nhiều bạn trẻ đã phải ngậm ngùi sau khi tốt nghiệp ra trường, phải đổi nghề khác mới phù hợp!
Sở thích chưa hẳn là sở trường. Sở thích chỉ nhất thời. Sở trường mới ổn định dài lâu, và nó là một phần của năng lực. Nghề ta thích chưa chắc là nghề mà ta sẽ học được và làm được. Em nên chọn nghề phù hợp với thực chất về năng lực và tính cách của bản thân, đừng chạy theo sở thích cảm tính. Nhất là đừng chọn nghề a dua theo bạn bè, hay theo mốt thời thượng.
* Có phải chọn trường danh tiếng để đăng ký thi và học thì sau này mới “nổi” hơn không ạ? Bố mẹ muốn sau này cho em du học để càng nổi hơn vì có cái “mác” ngoại, thầy thấy có nên không?
(PHAN TRƯỜNG THI, HS lớp 12 Xuân Đỉnh, Hà Nội)
- Mác ngoại hay mác nội chỉ là cái vỏ, không chứng minh được thực chất. Để chứng minh thực chất, em đừng quá trông cậy vào trường danh tiếng hay nơi du học. Chính em phải tự hun đúc thực lực của mình để có thực chất. Thực lực đó nói vắn tắt gồm hai thành phần cơ bản: trí lực và tâm lực, trong đó chủ yếu là tâm lực. Sau khi đã vững tin vào trí lực, em hãy tự hỏi mình: Tâm ta đã quyết chọn nghề đó chưa? Chí ta có quyết trọn đời theo nghề nghiệp đó không? Dù phải gặp nghiệp trong nghề, ta có quyết chí vượt qua không? Liệu ta có đủ nghị lực tinh thần và tâm huyết để gieo hồn sáng tạo trong nghề đó không?...
Nếu trả lời là có và thực hiện cho được những điều đó thì em sẽ là sản phẩm của chính mình, của tự đào tạo, không tùy thuộc nhiều vào nơi đào tạo là trường nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, là trong nước hay nước ngoài.
* Để chọn nghề phù hợp, tại sao phải quan tâm nhiều đến tính cách? Em nghĩ chỉ cần phù hợp với năng lực là đủ, cốt được đào tạo để vững tay nghề là tốt rồi, phải không ạ?
(TRẦN NHƯ HẢI, lớp 12 THPT Hoài Đức, Hà Nội)
- Chính vì nghĩ như em mà rất nhiều bạn trẻ đã chọn nhầm nghề và nhầm trường. Khi tìm hiểu một nghề, em cần biết rõ nghề đó đòi hỏi những phẩm chất gì nơi người hành nghề. Đơn giản như nghề lái xe đòi hỏi rất cao về tính cẩn thận và đức kiên nhẫn. Nếu ai quen chạy ẩu và thiếu nhường nhịn thì không nên chọn nghề đó. Khi trắc nghiệm hướng nghiệp, các chuyên gia không chỉ đo chỉ số IQ của em, mà quan trọng hơn họ đo chỉ số EQ và AQ của em nữa, xem em có đủ bản lĩnh để học và làm được một nghề cần vững vàng về tâm lực và tính cách hay không.
Em đừng bỏ qua hay coi nhẹ tính cách khi chọn nghề. Tính cách có mối quan hệ máu thịt với nghề nghiệp (cả khi học nghề, lập nghiệp và hành nghề). Hãy tự hỏi “Nghề em định chọn có “yêu” em không ?”, nghĩa là tính cách của em có phù hợp với những đòi hỏi gay gắt của nghề đó không.
Vắn tắt, em nên khắc ghi lời của các chuyên gia tư vấn lỗi lạc: “Chính tương lai bạn được quyết định từ tính cách của bạn. Tính cách của bạn phải kết duyên được với nghề bạn chọn. Và như thế có nghĩa: nghề chọn bạn chứ không phải bạn chọn nghề”.


Câu trả lời

0 Respones to "Những câu hỏi "lớn" trong mùa tuyển sinh"

Đăng nhận xét

 

Recent Comments

Popular Posts

Lên trên đỉnh Copyright NGUOITHAY © 2010 | www.nguoithay.org Tạo dựng bởi Pham Phong